Nếu như Arabica được ca ngợi bằng những từ mỹ miều như “nữ hoàng cà phê" thì Robusta lại được phong danh hiệu “anh hùng tỉnh táo". Tuy nhiên, với những người mới bắt đầu tìm hiểu, việc phân biệt Arabica và Robusta lại vô cùng khó khăn. Vậy nên, Như Hương Coffee sẽ gợi ý đến bạn cách phân biệt đơn giản thông qua đặc tính từng loại cà phê.
Về nguồn gốc tên gọi
Mỗi cái tên của hạt cà phê đều mang trong mình những ý nghĩa cụ thể. Trong đó, Arabica bắt nguồn từ Aroma có nghĩa là hương thơm, đây cũng là đặc điểm của cà phê Arabica với hương thơm quyến rũ. Còn Robusta với hàm lượng caffeine khá cao mang đến sức mạnh của sự tỉnh táo, cũng là nghĩa của từ Robust (mạnh).
Về đặc điểm địa lý, sinh học
Arabica ưa sống ở những vùng núi có độ cao từ 600 - 2000m với nhiệt độ trong khoảng 15 - 24 °C, lượng mưa lý tưởng từ 1500 - 2000 mm. Cây có rễ sâu, tán nhỏ, lá hình oval. Khi trưởng thành, cây có thể cao từ 4 - 6m và có thể đạt 15m nếu mọc ngoài hoang dã.
Ngược lại, Robusta chỉ sống ở vùng nhiệt đới có độ cao dưới 1000m, nhiệt độ từ 24-29 °C và lượng mưa lý tưởng từ 2000 - 3000 mm. Cây có dạng cây gỗ hoặc bụi, rễ nông. Khi trưởng thành, cây có thể cao đến 10m.
Arabica và Robusta có sự khác biệt về điều kiện sinh trưởng
Đọc thêm:
Mách bạn cách chọn hạt cà phê thơm ngon chất lượng
Gợi ý cách pha cà phê phin ngon như ngoài tiệm
Về năng suất cây trồng
Arabica có khả năng chống chịu kém, dễ bị sâu bệnh nên năng suất không cao, chỉ khoảng 1500-3000 kg/ha. Còn Robusta có thể thích nghi với hầu hết điều kiện tự nhiên vì thế năng suất cũng cao hơn Arabica, đạt 2300-4000 kg/ha.
Về hình dạng hạt cà phê
Hạt cà phê Arabica có hình bầu dục (elip), giữa hạt có rãnh dài lượn sóng. Trong khi đó, hạt cà phê Robusta thường có kích thước nhỏ hơn và hơi tròn, ở giữa có rảnh dài nhưng thẳng.
Về cách thức chế biến
Hạt cà phê sau khi thu hoạch sẽ có hai cách chế biến là ướt và khô. Trong đó, chế biến khô khá đơn giản bằng việc phơi khô sau đó tách lấy nhân bên trong. Còn chế biến ướt lại phức tạp hơn, quả cà phê sau khi thu hoạch sẽ được xay xát để loại bỏ lớp vỏ thịt, ngâm lên men, phơi rồi lại xay xát để loại bỏ lớp vỏ trấu lấy nhân.
Dù tốn nhiều công sức hơn nhưng chế biến ướt sẽ giữ hương vị hạt cà phê được tốt nhất. Cho nên, người ta thường áp dụng phương pháp chế biến ướt cho hạt cà phê Arabica vì giá trị kinh tế cao hơn. Còn Robusta vì có giá trị kinh tế thấp nên được chế biến bằng phương pháp khô.
Về hàm lượng caffeine
Như phần nguồn gốc tên gọi đã đề cập, hàm lượng caffeine có trong hạt Robusta tương đối cao, đến 2-4%. Trong khi đó, Arabica lại có nồng độ thấp hơn, chỉ khoảng 1-2%.
Robusta có hàm lượng caffeine cao gần gấp đôi Arabica
Về hàm lượng Lipit và đường
Arabica có đến 60% hàm lượng Lipit và gần gấp đôi lượng đường có trong hạt so với Robusta. Điều này lý giải vì sao người tiêu dùng thích cà phê Arabica hơn Robusta.
Tuy nhiên, Robusta lại chứa chất chống oxy hoá (CGA) cao hơn với 7 - 10%, so với Arabica chỉ có 5,5 - 8%. Chính vì thế, dù hương vị có phần kém hơn nhưng Robusta vẫn được sử dụng bởi tác dụng bảo vệ sức khoẻ.
Về hương thơm và mùi vị
Dựa vào hương thơm và mùi vị là cách phân biệt Arabica và Robusta tương đối chính xác. Bởi vì hàm lượng chất béo và đường của Arabica lớn hơn nên khi đi vào miệng, vị chua thanh đặc trưng sẽ được lan toả, vị đắng rất nhẹ nhàng chứ không quá gắt. Sau đó, Arabica để lại hậu vị ngọt ngào cùng hương thơm nồng nàn, quyến rũ.
Ngược lại, giọt cà phê Robusta sau khi vào miệng sẽ mang đến vị đắng rất mạnh mẽ. Loại cà phê này cũng không đem lại hương thơm như Arabica. Tuy nhiên, một số chuyên gia về mùi vị lại nhận thấy hậu vị có mùi thơm trái cây thoang thoảng.
Về màu sắc, tính chất hạt khi rang
Trong cùng nhiệt độ, Robusta sẽ có màu sắc nhạt và hơi ngả sang vàng; còn Arabica sẽ có màu khá đậm với độ bóng đẹp mắt.
Sau khi rang, hạt Robusta nở nhiều hơn, tính chất mềm hơn cũng như dễ vỡ hơn so với hạt Arabica.
Arabica có màu đậm hơn cũng như bóng đẹp hơn Robusta
Về màu nước cà phê
Sau quá trình pha chế, Arabica chiết xuất nước cà phê có màu nâu nhạt, thơm nồng, mang đến vị đắng nhạt. Trong khi đó, nước cà phê Robusta lại có màu nâu sẫm hay màu đen, thơm gắt, đồng thời vị đắng mạnh mẽ.
Việc nắm cách phân biệt Arabica và Robusta giúp bạn đưa ra lựa chọn hợp “gu" với sở thích của mình. Mặc khác, bạn có thể tự pha trộn hai loại cà phê này theo tỉ lệ thích hợp để có trải nghiệm mới lạ trong việc thưởng thức; hoặc tìm mua các sản phẩm được “mix" sẵn theo công thức đặc biệt tại Như Hương Coffee với hương vị trọn vẹn của cà phê rang xay nguyên chất.